Tp Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng đến trăm nghìn tỷ

Thay vì thực hiện theo các hình thức BOT hoặc BT, nhà đầu tư dự án hạ tầng tại TP. HCM sẽ được thanh toán bằng tiền mặt. Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư chưa từng có tiền lệ, hạ tầng TP. HCM đang đón làn sóng mới với dự đoán thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Bất cập từ cách làm cũ

Trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020 có hiệu lực, TP. HCM đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án hạ tầng (khoảng 10.000 tỷ đồng) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao).
Chẳng hạn như TP. HCM cũng đã thực hiện thành công dự án đường Phạm Văn Đồng dài 13,6 km, tổng mức đầu tư 186 triệu USD. Và chi phí giải phóng mặt bằng 6.783 tỷ đồng (vốn ngân sách TP. HCM) do Công ty GS & EC (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BT. Đây là dự án thí điểm đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Hay như dự án cầu dây văng Phú Mỹ nối quận 7 và TP. Thủ Đức có chiều dài toàn tuyến gần 10km được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (ký với UBND TP. HCM) với tổng mức đầu tư 2.510 tỷ đồng.

Hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài những dự án tiêu biểu nói trên, TP. HCM cũng kêu gọi đầu tư thành công hàng loạt công trình. Như dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Sài Gòn 2…

Dẫu vậy, theo lãnh đạo UBND TP. HCM, Nghị quyết 54 về cơ chế thí điểm cho TP. HCM sau gần 5 năm thực hiện vẫn chưa đưa lại kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là so với đặc thù của thành phố, khuôn khổ pháp luật chưa bao quát được hết các vấn đề khi triển khai cụ thể. Ví dụ, tiến độ nhiều dự án hạ tầng của thành phố phụ thuộc vào việc thẩm định, ban hành quyết định của các bộ, ngành liên quan cũng như phụ thuộc vào khả năng cân đối vốn của chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư lúng túng về nguồn vốn lẫn việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được giao, thuê đất theo quy định, mà thành phố lại không tự quyết định được.

“Bên cạnh thiếu nguồn vốn lớn, ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu, quá trình triển khai các dự án lại có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các luật nên thực hiện chưa trôi chảy”, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, chia sẻ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, cho hay thành phố còn nhiều công trình giao thông cấp bách. Cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện, gây tắc nghẽn giao thông, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Kiến trúc sư Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. HCM, cho biết theo “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030” của TP. HCM, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến đầu tư khoảng 454km đường với tổng kinh phí khoảng 266.000 tỷ đồng. Theo đó, TP. HCM đã có kế hoạch triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như: Quốc lộ 13 (dự án thành phần của dự án cầu Bình Triệu 2), Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư An Sương – vành đai 3), cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đường Ung Văn Khiêm... Tuy nhiên, tất cả kế hoạch trên đều chưa thể triển khai hiệu quả, bởi các biện pháp huy động nguồn lực cũng như vướng mắc về cơ chế vẫn chưa được tháo gỡ. Hàng loạt dự án PPP trên tuyến hiện hữu của TP. HCM trong thời gian qua “án binh bất động”, thậm chí có nguy cơ phải chấm dứt, gây lãng phí và gây hệ lụy cho cả thành phố lẫn doanh nghiệp. TP. HCM đang rất cần cơ chế mới.

Sẽ thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng

Sau khi Nghị quyết 98 được ban hành, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cho biết thay vì phải thực hiện theo các hình thức đầu tư là BOT hoặc BT như trước đây thì nay nhà đầu tư của các dự án sẽ được thanh toán bằng tiền mặt. Đây là hình thức rất mới.

Hạ tầng thành phố Thủ Đức

Theo đó, TP. HCM sẽ thanh toán ngay cho nhà đầu tư nhằm giảm chi phí phát sinh lãi vay với hàng loạt dự án như:

 - Xây dựng cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng;

 - Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, tổng mức đầu tư dự kiến 2.812 tỷ đồng;

 - Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2), tổng mức đầu tư dự kiến 1.124 tỷ đồng...

Đối với dự án theo hợp đồng BOT, trong quá trình nghiên cứu xác định danh mục dự án áp dụng cơ chế của Nghị quyết 98, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, tránh tạo gánh nặng về thuế, phí và tình trạng khiếu kiện.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu ban hành một số quy định, như nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tổ chức lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với hình thức đầu tư dựa trên lợi thế. Đặc điểm của từng tuyến đường cũng như tính cấp thiết, liên thông trong hệ thống giao thông khu vực hiện hữu và theo định hướng quy hoạch.

“Với chính sách mới từ Nghị quyết 98, TP. HCM dự tính sẽ thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT”, ông Phan Công Bằng thông tin.

Theo ông Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị quyết 98 thông qua 44 cơ chế, chính sách, đáng chú ý có 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP. HCM mới có. Ví dụ như việc cho phép thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BT sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội. Từ đó góp phần tổ chức phát triển không gian đô thị hợp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hay như trước đây, việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật có liên quan. Trong khi cơ chế mới cho phép thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn, đẩy nhanh tốc độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm. “Thử nghiệm việc thanh toán bằng tiền mặt là một trong những giải pháp chưa từng có trong tiền lệ đối với các dự án hạ tầng tại thành phố”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, với hàng loạt dự án khởi động lại, cộng với các dự án khởi công mới, ngành giao thông thành phố dự tính sẽ đạt kỷ lục trong giải ngân về vốn đầu tư công với khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhận định nghị quyết mới với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho TP. HCM khơi thông nguồn lực. Tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng để phát triển vượt bậc và thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lan tỏa cả nước góp phần tạo động lực tăng trưởng.

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét