Hiển thị các bài đăng có nhãn bình dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bình dương. Hiển thị tất cả bài đăng

Tổng quan thông tin cho người Mua Nhà Đất tại thành phố Thủ Dầu Một

Chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 30km, Thủ Dầu Một nay đã trở thành trung tâm phát triển kinh tế – văn hoá của tỉnh Bình Dương.

Nơi đây đang hội nhập rất tốt với xu thế của đất nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao khả năng đáp ứng các nhu cầu dân sinh.

1.VỊ TRÍ CỦA THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT BÌNH DƯƠNG

Thủ Dầu Một là thành phố trực thuộc địa bàn cũng như quyền quản lý của tỉnh Bình Dương. Thành phố này được thành lập vào tháng 5 năm 2012 theo Nghị quyết của Chính phủ. Hiện đây là Đô thị loại I và cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, giáo dục lớn nhất của Bình Dương.

Xét về mặt địa lý, Thủ Dầu Một toạ lạc về phía Tây Nam của tỉnh. Con sông lớn chảy qua Thủ Dầu Một là sông Sài Gòn, cụ thể là chảy qua mạn phía Tây địa bàn thành phố.

Thủ Dầu Một có tiếp giáp với một số thành phố cũng như thị xã trong và ngoài tỉnh như:

  • Phía Đông giáp với thị xã Tân Uyên – một trong những thị xã đang phát triển khá đồng bộ của tỉnh Bình Dương.
  • Phía Tây giáp huyện Củ Chi trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Phía Nam giáp thành phố Thuận An – một trong ba thành phố của tỉnh Bình Dương.
  • Phía Bắc giáp thị xã Bến Cát – thị xã nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương.

Như vậy, có thể nhận thấy thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương có vị trí tương đối thuận lợi cho việc giao lưu, kết nối với các huyện, thị xã trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhờ quốc lộ 13, thành phố này còn trở thành mắt xích quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nước ta. Việc chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km cũng là lợi thế về mặt địa lý rất đáng kể của Thủ Dầu Một.

bản đồ tp thủ dầu một bình dương

Bản đồ hành chính thành phố Thủ Dầu Một hiện nay

2. THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT CÓ BAO NHIÊU PHƯỜNG?

Thủ Dầu Một là thành phố tương đối đặc biệt khi không có xã trực thuộc, tất cả các đơn vị hành chính cấp dưới đều ở cấp phường. Hiện nay, thành phố quản lý 14 phường trực thuộc bao gồm:

  • Phường Chánh Mỹ.
  • Phường Chánh Nghĩa.
  • Phường Định Hoà.
  • Phường Hiệp An.
  • Phường Hiệp Thành.
  • Phường Hoà Phú.
  • Phường Phú Cường.
  • Phường Phú Hoà.
  • Phường Phú Lợi.
  • Phường Phú Mỹ.
  • Phường Phú Tân.
  • Phường Phú Thọ.
  • Phường Tân An.
  • Phường Tương Bình Hiệp.

Trong số các phường trực thuộc thì phường Phú Cường là trung tâm của thành phố, Uỷ ban Nhân dân thành phố Bình Dương hiện đang được đặt tại đây. Trong khi đó tỉnh lại chọn địa bàn phường Hoà Phú là trung tâm khu đô thị mới, đặt các cơ quan hành chính cấp tỉnh.

3. DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT

Thành phố Thủ Dầu Một có diện tích tự nhiên 118,91 km². Về dân số, theo số liệu thống kê năm 2021, Thủ Dầu Một có khoảng 336.705 người, mật độ dân số đạt 2.832 người/km².

Dựa vào các thông tin trên có thể thấy mật độ dân số tại Thủ Dầu Một ở ngưỡng trung bình, cơ sở hạ tầng và điều kiện xã hội vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu dân sinh. So với các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì mật độ dân số ở Thủ Dầu Một chính là lợi thế.

4. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TP THỦ DẦU MỘT BÌNH DƯƠNG ĐẾN NAY

Kể từ năm 2017, Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Đô thị loại I theo Quyết định số 1959/QĐ-TTg.

Như vậy, Thủ Dầu Một là Đô thị loại I thứ ba trong khu vực Đông Nam Bộ (chỉ sau hai thành phố khác gồm Vũng Tàu và Biên Hòa Đồng Nai). Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Thủ Dầu Một đang trên đà đổi mới mạnh mẽ, là thành phố sẵn sàng hội nhập và phát triển trong tương lai.

Trung tâm TP Thủ Dầu Một

Bộ mặt của Thủ Dầu Một đang được thay đổi từng ngày

Đến nay, Thủ Dầu Một đã đạt được thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện khác nhau, ngày càng nâng cao vị thế cũng như đời sống của người dân. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:

Về Kinh Tế

Thủ Dầu Một là thành phố phát triển kinh tế hiệu quả có tiếng trong khu vực Đông Nam bộ. Thành phố này cùng với hai thành phố khác là Dĩ An và Thuận An đã tạo thành cụm các đô thị mới, trẻ và rất năng động tại khu vực phía Nam Bình Dương. Chỉ riêng trong năm 2020, tổng thu Ngân sách Nhà nước của Thủ Dầu Một đã lọt vào top các thành phố dưới tỉnh có mức thu cao nhất cả nước với con số ấn tượng lên đến hơn 7.000 tỷ đồng.

Định hướng phát triển của Thủ Dầu Một trong tương lai là đầu tư vào dịch vụ thương mại chất lượng cao. Tỷ trọng kinh tế sẽ dần chuyển dịch sang lĩnh vực này, giảm tỷ trọng tại nông – lâm nghiệp. Theo số liệu thống kê mà Bình Dương cung cấp, doanh thu dịch vụ cũng như bán lẻ hàng hóa tại thành phố Thủ Dầu Một đã đạt mức 191.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Một số thành tựu liên quan đến việc phát triển kinh tế mô hình dịch vụ thương mại tại Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương có thể kể đến như:

- Đại lộ Bình Dương sầm uất nổi tiếng cả tỉnh. Đây là khu phố “vàng” trong ngành thương mại với sự góp mặt của hàng loạt chi nhánh ngân hàng lớn. Một số chuyên gia kinh tế còn nhìn nhận đây chính là phố Wall của Bình Dương.

- Con đường kinh doanh thời trang Yersin.

- Phân khu nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí dọc con đường Thích Quảng Đức.

-Phân khu nhà hàng, khách sạn cao cấp xung quanh tòa Becamex Tower.

- Cụm du lịch, tổ chức lễ hội, tham quan, giải trí tại khu vực Ngã Sáu.

Đặc biệt, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương đã chính thức gia nhập Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA). Nhờ dấu mốc này mà các doanh nghiệp địa phương có nhiều cơ hội giao thương quốc tế, đa dạng thêm dịch vụ và tăng sức hút cho các dự án bất động sản.

Nhìn chung, bằng các nỗ lực phát triển kinh tế nói chung, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ lao động tiếp cận được với cơ hội việc làm Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương là tương đối khả quan. Thậm chí nhiều ngành nghề còn có tiềm năng phát triển rất lớn, giải quyết được vấn đề việc làm cho các vùng lân cận.

Hiện nay tại Thủ Dầu Một có tới 7 cụm, khu công nghiệp khác nhau, tập trung tại phía Bắc của thành phố. Trong tương lai, Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục phát triển Khu liên hợp Công nghiệp, Dịch vụ và Đô thị Bình Dương trở thành phân khu công nghiệp trình độ cao. Các khu công nghiệp ở thành phố Thủ Dầu Một có thể kể đến như:

  • KCN Sóng Thần 3.
  • KCN Phú Tân.
  • KCN Đồng An 2.
  • KCN Mapletree Bình Dương.
  • KCN Đại Đăng.
  • KCN Kim Huy.
  • KCN Việt Remax.

Khu công nghiệp Sống Thần Bình Dương

Khu công nghiệp Sóng Thần 3

Về Giao Thông

Từ Thủ Dầu Một, người dân có thể nhanh chóng tiếp cận nhiều tỉnh, thành phố lớn khác tại khu vực Nam Bộ. Có thể kể đến một số trục đường huyết mạch như:

- Đại lộ Bình Dương: Đây là trục quốc lộ với quy mô lên đến 6 làn xe chạy. Thông qua Đại Lộ Bình Dương chúng ta có thể di chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Tây Nguyên.

- Cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn: Mỹ Phước – Tân Vạn là trục đường quan trọng, chuyên vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bình Dương đến các Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ Dầu Một đều chọn con đường này để xuất, nhập kho.

- Trục đường Phạm Ngọc Thạch và Hùng Vương: Con đường nối liền các khu dân cư hiện hữu của thành phố với các phần đô thị mới đang được quy hoạch mở rộng.

- Một số trục đường liên tỉnh hiện nay cũng đã được Bình Dương chú trọng đầu tư với mục tiêu các huyện thị lân cận sẽ kết nối được đến trung tâm thành phố nhanh nhất có thể. Quy mô các làn đường hiện đã sớm tiếp cận với chuẩn chung của quốc gia là từ 4 – 6 làn. Một số con đường tiêu biểu có thể kể đến như Nguyễn Văn Thành, Phú Lợi, Nguyễn Chí Thanh,…

Theo dự án quy hoạch giao thông của Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương, nhiều tuyến đường sẽ tiếp tục được thi công và hoàn thiện trong tương lai gần. Thành phố dự kiến vận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi về khoảng cách địa lý để phát triển kinh tế trong tương lai. Cụ thể, các tuyến đường như cao tốc Thủ Dầu Một đi Chơn Thành hay đường sắt Dĩ An đến Lộc Ninh đều đang được đưa vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để hoạt động.

Ngoài ra, thành phố Thủ Dầu Một chủ trương tạo điều kiện phát triển cho các phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường. Taxi Thủ Dầu Một Bình Dương đã được chính quyền duyệt phương án cho phép công dân gọi xe thông qua ứng dụng điện thoại. Song song với đó, bến xe Thủ Dầu Một Bình Dương cũng chuẩn bị ra mắt tuyến xe buýt nhanh BRT hoạt động phạm vi nội thành.

Về Hạ Tầng

Thủ Dầu Một đang được đánh giá là một trong những thành phố trẻ và năng động top đầu cả nước. Được Chính phủ nâng hạng lên đô thị loại 1 từ năm 2017, đến nay Thủ Dầu Một ngày càng tích cực đổi mới diện mạo đô thị. Chỉ tính riêng trên địa bàn nội đô, 100% khu đô thị mới và khu dân cư đều được quy hoạch mới một cách bài bản, hiệu quả. Một số điểm sáng trong quy hoạch của thành phố có thể kể đến như:

  • Thành phố mới Bình Dương.
  • Khu đô thị mới Becamex City Center.
  • Mô hình nhà ở thương mại dịch vụ Phú Mỹ.
  • Khu dân cư Chánh Nghĩa.
  • Khu dân cư Phú Hoà 1.
  • Khu dân cư Hiệp Thành 3.
  • Khu dân cư Phú Thuận.
  • Các khu tái định cư Hoà Phú, Phú Tân.

Với phương châm quy hoạch khu đô thị mới nhưng không bỏ sót khu dân cư cũ, Thủ Dầu Một vẫn tăng cường nhiều biện pháp chỉnh trang thành phố. Các con đường trên địa bàn nội đô đều đã được nhựa hoá. Các khu vực ngõ hẻm được chiếu sáng theo chuẩn quốc gia, cải tạo cũng như mở rộng thêm vỉa hè,…

Thủ Dầu Một không ngừng tân trang diện mạo cho bộ mặt đô thị

Các dự án đầu tư mà Thủ Dầu Một đang vận hành chủ yếu theo mô hình xã hội hoá, có hợp tác với doanh nghiệp tư nhân cũng như kêu gọi các nguồn đầu tư mới. Nhờ các chính sách này mà các khu chợ Thủ Dầu Một Bình Dương như Hàng Bông, Bình Điềm đã được quy hoạch khang trang, hiện đại. Các mô hình nhà trọ Thủ Dầu Một Bình Dương cũng dần chuyển từ dãy trọ ẩm thấp thành các khu nhà ở tiện nghi, thậm chí là phát triển các mô hình căn hộ mini.

Về Giáo Dục

Giáo dục là lĩnh vực đang được Thủ Dầu Một đầu tư rất lớn và hướng đến trở thành mũi nhọn mới của địa phương trong tương lai. Khá nhiều trường Đại học cũng như Cao đẳng được đặt trên địa bàn của thành phố. Ngoài ra, trường chuyên của tỉnh Bình Dương cũng đang được thành phố phối hợp với Sở Giáo dục trực tiếp quản lý.

Một số trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ bao gồm:

  • Trường Đại học Thủ Dầu Một.
  • Trường Đại học Bình Dương.
  • Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương.
  • Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU).
  • Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở tại tỉnh Bình Dương).
  • Trường Đại học Sĩ quan Công binh Ngô Quyền.
  • Trường Đại học Việt Đức.

Ngoài nhóm các trường Đại học trên, Thủ Dầu Một hiện còn có 4 trường Cao đẳng và 8 trường Trung học phổ thông. Đặc biệt, thành phố hiện có 2 trường quốc tế là Trường Quốc tế Singapore KinderWorld và Trường Quốc tế Việt Hoa.

Từ các thông tin kể trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự quan tâm, đầu tư của thành phố với ngành giáo dục nói chung. Trong tương lai, Thủ Dầu Một sẽ trở thành một trong các địa phương có khả năng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội.

Về Y Tế

Bản thân Thủ Dầu Một đã và đang không ngừng cải thiện khả năng đáp ứng các nhu cầu dân sinh của người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến các dịch vụ y tế. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều bệnh viện công lập, tư nhân và cả các phòng khám dịch vụ nhằm loại bỏ hoàn toàn tình trạng quá tải về y tế. Hệ thống cơ sở y tế trải dài khắp các phường thuộc thành phố như:

– Phường Hiệp Thành: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (đang được xây dựng với quy mô gần 2000 giường bệnh và dự kiến bắt đầu phục vụ người dân từ năm 2021), phòng khám Đa khoa Châu Thành.

– Phường Tương Bình Hiệp: Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Bình Dương.

– Phường Chánh Mỹ: Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bình Dương.

– Phường Phú Cường: Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chi nhánh Bình Dương.

– Phường Định Hoà: Bệnh viện Đa khoa Phương Chi.

5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TP THỦ DẦU MỘT BÌNH DƯƠNG

Nếu muốn tìm hiểu về Thủ Dầu Một, bên cạnh các thành tựu mà địa phương này đạt được, chúng ta còn cần quan tâm đến mục tiêu phát triển của nó trong tương lai. Thủ phủ của tỉnh Bình Dương đã công bố khá nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong đề án phát triển đô thị trong tương lai. Độc giả có thể tham khảo một số định hướng nổi bật như sau:

Xây Dựng Đô Thị Xanh – Sạch – Đẹp Tiêu Biểu

Một trong các mục tiêu mà Thủ Dầu Một đang quan tâm cũng như huy động nguồn lực để đạt được là phát triển môi trường sống đáng giá. Môi trường sống này sẽ kết hợp cả các bản sắc địa phương như lợi thế về văn hoá, cảnh quan, môi trường và nhiều giá trị hiện đại đi kèm theo đề án quy hoạch đô thị. Các cấp chính quyền của thành phố chú trọng việc phát triển các mảng xanh nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và tạo các mảng không gian mở cho khu vực nội đô.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, chung cư và chợ thì các công viên, hoa viên và khu vực trồng cây xanh, thảm cỏ cũng được tăng theo. Đây chính là các điểm nhấn khẳng định đẳng cấp không gian đô thị trong lành ngay cả khi địa phương phát triển mạnh về công nghiệp.

Mật độ cây Xây Tp Thủ Dầu Một

Mật độ cây xanh trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một đang tăng nhanh

Đẩy Mạnh Hoạt Động Tiếp Cận Với Các Nguồn Lực Đầu Tư

Kế hoạch điều chỉnh quy mô đô thị của Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được hoàn thiện. Theo công bố của đại diện lãnh đạo thành phố thì địa phương sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, xanh và thông minh. Tuy nhiên điểm đặc biệt trong đề án này là đơn vị sẽ giảm nguồn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, giải pháp thay thế chính là tiết kiệm chi tiêu nội bộ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong vấn đề tăng nguồn đầu tư.

Như vậy Thủ Dầu một sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư để trở thành đầu tàu của các đô thị trên địa bàn Bình Dương. Các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội sẽ đồng thời trở thành hạt nhân tạo sự lan toả, thu hút thêm các nguồn đầu tư mới trong tương lai.

6. CÁC ĐỊA ĐIỂM NỔI TIẾNG TẠI TP THỦ DẦU MỘT BÌNH DƯƠNG

Đến với thành phố thủ Dầu Một, chúng ta có thể nhanh chóng phát hiện ra nhiều công trình dân sinh, khu vui chơi công cộng nổi bật. Đây chính là các minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển, nâng cao về mọi mặt trong đời sống của người dân tại địa phương. Hãy cùng dạo quanh các địa điểm nổi bật tại Thủ Dầu Một sau đây.

Công Viên Thành Phố Mới Bình Dương – Lá Phổi Xanh Của Tỉnh

Công viên Thành phố mới Bình Dương chính là địa điểm vui chơi mới đang nhận được nhiều sự chú ý của người dân nơi đây. Công viên có tổng diện tích lên đến hơn 70 ha. Theo công bố của thành phố, công viên này được xây dựng hoàn toàn theo tiêu chuẩn của Singapore, mô hình xanh bao gồm nhiều mảng cây trồng, đài phun nước, suối và hồ nhân tạo. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn gọi nơi đây là “Singapore thu nhỏ” trong lòng Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương.

Hiện công viên tọa lạc tại Khuôn viên khu đô thị mới của Bình Dương, phường Phú Mỹ. Du khách cũng như người dân đều không mất vé vào cửa khi đến tham quan tại đây.

Công Viên Tp Thủ Dầu Một

Công viên Thành phố mới Bình Dương nhìn từ trên cao

Khu Du Lịch Đại Nam – Quần Thể Vui Chơi Giải Trí Lớn Nhất Đông Nam Bộ

Với diện tích lên đến hơn 450 ha, Khu du lịch Đại Nam vừa có các điểm tham quan tâm linh như đền đài, thành quách lại vừa có nhiều khu vui chơi hiện đại như thảo cầm viên, hồ bơi nhân tạo, vườn thú, vườn bách thảo,…

Khu du lịch Đại Nam Bình DƯơng

Một phần của khu du lịch Đại Nam

Bên trong Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Kim Điện chính là công trình tôn giáo tiêu biểu nhất, mang đậm văn hoá truyền thống dân tộc. Theo đó, ngôi đền này được dát vàng 24k và đã được Nhà nước công nhận là đền thờ lớn nhất Việt Nam.

Trên đây là một số thông tin đáng chú ý liên quan đến Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương chia sẻ đến các bạn độc giả. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về thành phố này để từ đó cân nhắc và đưa ra những lựa chọn tối ưu khi có ý định đầu tư, sinh sống tại đây. Ở các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến thị trường bất động sản tại Thành phố Thủ Dầu Một, biến động giá cả các loại hình nhà ở, đất nền, chung cư,… tại đây cho người mua và nhà đầu tư tham khảo. Mời Quý vị đón đọc.

Xem thêm:  Quy hoạch Tỉnh Bình Dương

Tiến độ nhà máy LEGO 1 tỷ USD tại Bình Dương đang ra sao sau 1 năm khởi công?

Tháng 11/2022, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức động thổ xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tròn 1 năm sau, nhà máy của LEGO đã tổ chức lễ cất nóc tòa nhà đúc khuôn.

Cất nóc tòa nhà đúc khuôn nhà máy LEGO tại Bình Dương

Lễ cất nóc tòa nhà đúc khuôn được đánh giá là bước đầu tiên và rất quan trọng trong quy trình sản xuất ra các bộ đồ chơi LEGO. Bên cạnh đó, nhà máy của LEGO cũng ghi nhận 3 triệu giờ lao động an toàn.

Tính từ khi tổ chức lễ khởi công vào tháng 11/2022, nhà máy LEGO tại Bình Dương đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình xây dựng, đạt 26% tổng khối lượng xây dựng của nhà máy trong giai đoạn 1.

Theo ông Preben Elnef, Phó chủ tịch Tập đoàn LEGO, Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam, với sự kiện cất nóc tòa nhà đúc khuôn, công ty đang tiến thêm một bước nữa tới việc hoàn thành xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD.

Nhà máy LEGO 1 tỷ USD tại Bình Dương khởi công vào tháng 11/2022

Dự án xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tỉnh Bình Dương của Tập đoàn LEGO được khởi công vào tháng 11/2022. Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam; dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động năm 2024.

Được xây dựng trên khu đất rộng 44ha, kích thước tương đương 62 sân bóng đá, nhà máy được giới thiệu là nơi áp dụng các công nghệ tân tiến nhất để tạo khuôn, xử lý và đóng gói các sản phẩm của LEGO.

Cuối tháng 3 năm nay, LEGO cho biết đã đặt văn phòng tại tỉnh Bình Dương để tuyển dụng nhân sự, lao động nhằm chuẩn bị sẵn sàng đi vào hoạt động vào tháng 8/2024.

Bình Dương “dọn đường” để Bến Cát lên thành phố

Để Bến Cát sớm trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới địa phương này sẽ được bố trí nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tháo gỡ khó khăn về đất đai, đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào các khu vực phát triển đô thị

Bến Cát lên thành phố

Bến Cát đang nỗ lực để sớm lên thành phố

Theo CTTĐT tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc với thị xã Bến Cát về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đô thị này trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, thị xã Bến Cát cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của thị xã tiếp tục phát triển. Tổng giá trị sản xuất đạt 285.018,2 tỉ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 09/11/2023 đạt 70,8% kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt 100%.

Hiện địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng các dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc Mỹ Phước; chuẩn bị bồi thường dự án đường Vành đai 4 và dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ĐH.606 đến giáp đường vành đai Bắc Mỹ Phước.

Đối với đề án thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bến Cát kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét, trình HĐND tỉnh tán thành chủ trương thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

Chỉ đạo Sở Tài chính xem xét, bố trí đủ kinh phí để thị xã thực hiện nhiệm vụ chi năm 2023, trong đó đầu tư nâng cấp bê tông hóa các tuyến đường sỏi đỏ, đường đất trên địa bàn thị xã Bến Cát đến năm 2030 với 668 tuyến đường, chiều dài khoảng 203,1km, dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 1.300 tỉ đồng;

Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai để thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại Go tại Khu dân cư Mỹ Phước 3 và dự án Toyota Bình Dương tại Khu dân cư ấp 3A, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát.

Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thị xã theo quy hoạch đã được duyệt, có cơ chế để thu hút nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án TOD trên địa bàn thị xã.

Quan tâm đầu tư các tuyến đường kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở ngành tập trung sớm giải quyết những khó khăn, kiến nghị tạo mọi điều kiện để Bến Cát ngày càng phát triển, trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Bến Cát sẽ là thành phố thứ 5 của Bình Dương

Vào cuối tháng 9/2023, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lấy ý kiến dự thảo đề án thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát.

Cụ thể, theo nội dung của đề án, phương án thành lập phường An Điền trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 31,22 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 25.363 người và 5 ấp của xã An Điền.

Thành lập phường An Tây trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 44,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 41.917 người và 4 ấp của xã An Tây.

Thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 234,35 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 364.578 người và 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Bến Cát.

Sau khi thành lập 2 phường và TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương không thay đổi diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc.

Nếu được phê duyệt, Bến Cát sẽ là thành phố thứ 5 của Bình Dương sau các thành phố Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An và Thuận An.

Giới thiệu tỉnh Bình Dương và tiềm năng đầu tư Bất động sản

TỔNG QUAN TỈNH BÌNH DƯƠNG

I. ĐỊA LÝ

Tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2694,4 km2, xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ. Có tọa độ địa lý là 10o51'46"B – 11o30'B, 106o20' Đ – 106o58'Đ.

  • Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước
  • Phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh
  • Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai
  • Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương gồm 9 đơn vị hành chính, trong đó: 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện: Thành phố Thủ Dầu Một, Thành phố Dĩ An, Thành phố Thuận An, Thành phố Tân Uyên, Thị xã Bến Cát, Huyện Bắc Tân Uyên, Huyện Bàu Bàng, Huyện Dầu Tiếng, Huyện Phú Giáo.

Địa hình Bình Dương tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800 mm đến 2.000 mm. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5oC.

Bình Dương là cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế – văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á … cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 km – 15 km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội toàn diện. 

Tỉnh Bình Dương

Bản đồ các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương

II. QUY HOẠCH

Định hướng phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến 2030

Định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bình Dương thực hiện chiến lược phân vùng phát triển. Địa phương này sẽ di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư, không để xảy ra tình trạng “khu ổ chuột” trong lòng đô thị. Đến năm 2025 xóa các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông.

Mục tiêu của Bình Dương về tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 15.700 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2031-2050 khoảng 5,5 – 6%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 31.300 USD, trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50% GRDP.

Để hoàn thành được sứ mệnh, Bình Dương nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng: Khu vực phía Nam gồm TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TPHCM, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng.

Quy hoạch sử dụng đất Bình Dương

Quy Hoạch giao thông:

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh quyết tâm và kiên trì làm trên cơ sở huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện đúng tiến độ tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành và Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước -  Tân Vạn…

Quy hoạch giao thông Bình Dương

Quy hoạch đô thị

Định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phát triển xây dựng Bình Dương thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch Bình DƯơng

Bình Dương quy hoạch thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực

Quy hoạch thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ mang tầm khu vực

Định hướng Quy hoạch đưa ra tầm nhìn phát triển xây dựng Bình Dương thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, kinh tế phát triển bao trùm hài hòa giữa các khu vực.

Tiếp tục đóng vai trò đầu tàu cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trở thành động lực tăng trưởng của vùng, do đó, yêu cầu phát triển kinh tế của Bình Dương rất cao. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại cần tiếp tục phát triển đồng thời phải phát triển bao trùm, bền vững trong toàn tỉnh, tạo ra lợi thế để cho Bình Dương phát triển bền vững trong tương lai.

Phát triển liên kết khu đô thị - công nghiệp – dịch vụ

Quy hoạch đô thị Bình DƯơng

Để đạt được mục tiêu, Bình Dương hướng tới phát triển khu đô thị vùng, Vành đai liên kết…

Các nhóm định hướng quy hoạch bao gồm: Phát triển liên kết vùng; phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ hiện đại dựa trên kế thừa và đổi mới sáng tạo; xã hội phát triển công bằng và thịnh vượng dựa trên phát triển bao trùm; không gian và hạ tầng vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo; môi trường và tài nguyên phát triển xanh…

Không gian tỉnh Bình Dương được phân thành 3 lớp phát triển: Khu vực phía Nam gồm Thuận An và Dĩ An là vùng đô thị - công nghiệp hiện hữu được cải tạo phát triển thành các đô thị - dịch vụ của vùng.

Khu vực đô thị - công nghiệp - dịch vụ gồm Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ chủ đạo của vùng Đông Nam bộ.

Vùng phát triển mở rộng phía Bắc gồm Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên, trong đó phát triển khu vực Bàu Bàng trở thành đô thị trọng điểm cấp vùng, đầu mối hỗ trợ về dịch vụ - công nghiệp hiện đại, khoa học công nghệ cho các vùng kinh tế thông qua các đầu mối liên kết vùng, khu vực Dầu Tiếng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, khu vực Phú Giáo sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển không gian đô thị công nghiệp tập trung vào các hành lang (Bắc Nam gắn với trục đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; các tuyến giao thông hỗ trợ mới và hành lang Đông Tây hai bên tuyến đường Vành đai 4) và các khu vực trọng tâm đô thị theo các mô hình cấu trúc TOD.

Phát triển không gian tỉnh gắn với lộ trình hình thành các dự án động lực như: Hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng.

Hình thành không gian đô thị công nghiệp hiện đại hai bên tuyến đường Vành đai 4; hình thành hai trục đô thị dịch vụ sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các tuyến sông Bé, sông Thị Tính.

Về cấu trúc phát triển gồm một trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 5 phân vùng phát triển.

Theo đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng… làm trục liên kết, phát triển trục đô thị công nghiệp – dịch vụ theo từng phân đoạn.

Hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng.

Vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai liên kết của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy hoạch Thành phố Thủ Dầu Một

Khu vực trung tâm khu đô thị mới và khu vực trung tâm (khu 3,4,5) khu nhà ở an sinh xã hội Becamex của TP. Thủ Dầu Một sẽ được điều chỉnh tầng cao xây dựng nhằm tăng thêm quỹ nhà ở

Quy hoạch Thủ Dầu Một

Khu vực TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Tại phiên họp UBND tỉnh Bình Dương lần thứ 42 (chiều 31/8/2023), Sở Xây dựng đã báo cáo về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP.Thủ Dầu Một (năm 2012) đối với 2 khu vực thuộc trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Theo đó, điều chỉnh tầng cao xây dựng tối đa từ 30 tầng thành 40 tầng (tối đa 150m) và bổ sung tầng hầm tối đa 03 tầng của khu vực trung tâm khu đô thị mới, phường Hòa Phú và phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một với diện tích khoảng 350,5 ha.

Đồng thời, điều chỉnh tầng cao xây dựng tối đa từ 10 tầng thành 20 tầng của khu vực trung tâm (khu 3,4,5) khu nhà ở an sinh xã hội Becamex Định Hòa, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một với diện tích ​​khoảng 11,9 ha.

Việc xem xét điều chỉnh này sẽ tháo gỡ cho các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án tại các khu vực nêu trên trong thời gian tới. Qua đó, tăng thêm nhiều quỹ nhà ở dạng căn hộ an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội sở hữu nhà ở để an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với Bình Dương.

Theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đến năm 2040,  hiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã phủ kín trên địa bàn 12 phường và đã có quy hoạch chung Khu liên hợp đô thị - dịch vụ - công nghiệp để phủ kín quy hoạch trên địa bàn 02 phường mới là Hòa Phú, Phú Tân; có 79 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư, đô thị đã được phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, về cơ bản, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết phù hợp, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các loại quy hoạch này và quy hoạch sử dụng đất. Trong thời gian qua, UBND TP. Thủ Dầu Một đã tiến hành công tác điều chỉnh tổng thể quy hoach phân khu tỷ lệ 1/2000 của 12/14 phường theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương.

Theo đó, TP. Thủ Dầu Một đang phát triển đúng định hướng không gian của quy hoạch chung với việc phát triển mô hình đô thị đa cực, trong đó, khu liên hợp và khu trung tâm hiện hữu là 02 cực phát triển liên kết với nhau bởi các trục đường và các khu chức năng. Nội dung điều chỉnh sẽ định vị các phân khu đô thị gắn với các khu vực trung tâm và hệ thống công trình điểm nhấn mang đặc trưng rõ nét.

Các trung tâm đô thị là các cực phát triển. Cụ thể, khu vực thành phố mang tính lịch sử (bao gồm đô thị trung tâm Becamex) là khu vực nhà cửa mật độ cao, các dịch vụ tài chính và thương mại. Khu Liên Hợp Bình Dương là khu vực dân cư cao cấp, trung tâm chính trị và văn hoá. Khu vực bờ sông là khu vực dân cư đặc biệt cao cấp có sức hấp dẫn cao, các khu nghỉ dưỡng sinh thái; Khu vực trung tâm triển lãm thương mại là nhà ở và dịch vụ quanh nhà ga xe lửa Bình Chuẩn và trung tâm thương mại Expo.

Các hướng phát triển không gian của TP. Thủ Dầu Một với hướng phát triển khu vực phía Nam quanh quốc lộ 13 và ĐT743 là khu vực thương mại. Hướng phát triển khu vực phía Tây là khu vực du lịch sinh thái.

Về vùng phát triển đô thị gồm 03 khu vực đô thị. Đó là, trung tâm đô thị cũ (25 ha), khu vực phát triển mới và cơ cấu lại đô thị hiện có và cấu trúc đô thị hiện có.

Về vùng phát triển công nghiệp, hiện nay, trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một đã hình thành 07 khu công nghiệp có tổng diện tích 1.765,38 ha, chiếm 24,14% tổng số khu công nghiệp toàn tỉnh với tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 71,18% và đã có 365 doanh nghiệp cơ sở đang hoạt động. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở và hệ thống dịch vụ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội khác cho công nhân chưa được đầu tư.

Hiện, trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một có 25 dự án nhà ở được triển khai thực hiện và đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 2.075 căn hộ, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,89 m2 /người. Nhà ở xã hội có 29 dự án gồm 13.788 căn hộ với quy mô, diện tích các căn hộ phù hợp cho người thu nhập thấp tại đô thị.

Mục tiêu quy hoạch phát triển TP. Thủ Dầu Một là đô thị thông minh, với những không gian đô thị mới để dịch vụ, thương mại phát triển đa dạng, có bước đột phá, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, trong đó dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng cao và ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế.

Khu đô thị Chánh Mỹ

Theo đó, đề xuất kịch bản phát triển đô thị cho TP. Thủ Dầu Một sẽ kế thừa mô hình phát triển không gian đô thị cũ, có điều chỉnh và bổ sung theo bối cảnh mới, áp dụng hệ thống quy chuẩn về quy hoạch xây dựng mới ban hành (QCVN 01:2021), chỉ tiêu đất dân dụng bình quân là khoảng 45 - 60 m2 /người. Đến năm 2040, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 3.600 - 4.200ha, dân số toàn TP. Thủ Dầu Một 700.000-800.000 người, diện tích sàn nhà ở bình quân 30 m2 sàn/người.

III. KINH TẾ BÌNH DƯƠNG TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC

Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát huy tinh thần vượt khó, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đã giúp nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong 9 tháng của tỉnh Bình Dương đạt kết quả tích cực với nhiều gam màu sáng.

Vành Đai 4 Bình Dương

Một đoạn đường vành đai 4 được Bình Dương chủ động đầu tư.

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng với tinh thần chủ động quyết liệt, kịp thời của Ðảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân cho nên tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng 13,4%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 6,9 tỷ USD; thu ngân sách ước đạt 44.080 tỷ đồng...

Ðạt được kết quả trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các chủ đầu tư khu công nghiệp đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chương trình tiếp thị, xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức phù hợp. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 8/2023, tỉnh thu hút thêm gần 1,3 tỷ USD vốn FDI; trong đó, có 80 dự án mới, 24 dự án điều chỉnh tăng vốn, 28 dự án góp vốn, nâng nguồn FDI tại Bình Dương lên 4.162 dự án, với tổng vốn đầu tư 40,2 tỷ USD.

Tỉnh cũng đã thu hút 61.726 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng số lượng doanh nghiệp trong nước hiện nay lên 63.773 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 692 nghìn tỷ đồng. Ðồng thời, tỉnh chủ động rà soát và đã phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Bến Cát, thành phố Thuận An; quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một (quy hoạch năm 2012); tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên cũng như các địa phương còn lại; công bố thành phố Dĩ An là đô thị loại II; triển khai chỉnh trang, nâng cấp đô thị, khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị.

Bình Dương cũng đang tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; ban hành chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh đã tổ chức khởi công hai gói thầu thuộc dự án thành phần 5 đường Vành đai 3; thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông trọng điểm: Quốc lộ 13, đường tạo lực bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với thành phố Thủ Ðức (Thành phố Hồ Chí Minh); thỏa thuận các vị trí kết nối giao thông giữa thành phố Tân Uyên, thành phố Dĩ An với các địa phương trong tỉnh Ðồng Nai.

An sinh xã hội ổn định

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, công tác bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề được chú trọng; các hoạt động kết nối cung-cầu lao động, giới thiệu việc làm được tăng cường, tạo việc làm tăng thêm cho 20.325 người, đạt 57,8% kế hoạch năm. Giáo dục-đào tạo có chuyển biến tích cực; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ thí sinh tỉnh Bình Dương tốt nghiệp đạt 99,76%, xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tiếp tục được tập trung chỉ đạo; các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm tốt việc trực khám và điều trị bệnh cho người dân; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; đã triển khai mô hình điểm khám, chữa bệnh sử dụng căn cước công dân; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,9%.

NOXH Bình Dương

Lễ khởi công dự án nhà ở xã hội An Sinh tại Tp Thủ Dầu Một

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền được chú trọng thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo dần trở thành động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Tỉnh đã phê duyệt đề án Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025; thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore tại tỉnh; ban hành Chương trình hành động Ðề án Thành phố thông minh. Năm 2023, Bình Dương tiếp tục được vinh danh "Top 7 cộng đồng thông minh thế giới" lần thứ 3 liên tiếp và Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội, tỉnh đã sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022 cho nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để quán triệt các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, thị trường bất động sản, thành lập các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tỉnh đã phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ; hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị các ngành, các cấp tại tỉnh cần quan tâm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước, nước ngoài; xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm; trong đó, có dự án ngành giao thông; tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định các dự án đầu tư; giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Kịp thời khai thác các khoản thu còn dư địa vào ngân sách nhà nước để bổ sung cho đầu tư; có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kế hoạch năm. Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là đối với công nhân có hoàn cảnh khó khăn; theo dõi chặt chẽ tình hình lao động để có phương án kết nối hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.

Cơ hội nào cho bất động sản?

Hiện chính quyền Bình Dương đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam của tỉnh theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ...

Các khu vực trung tâm tỉnh sẽ tập trung phát triển mô hình công nghiệp và dịch vụ thông minh. Với việc trở thành một trong 21 thành viên đầu tiên của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF), dự báo sắp tới các hoạt động hội thảo khoa học, kết nối hợp tác quốc tế, giao thương và trao đổi đầu tư sẽ diễn ra nhộn nhịp tại Bình Dương.

Phía Nắc của Bình Dương gồm 4 thành phố là Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên sẽ là khu vực phát triển các khu đô thị mới.

Nổi bật nhất trong đó là khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ tại TP Thủ Dầu Một. Với tổng diện tích 370 ha được chia thành nhiều phân khu chât năng, trong đó có: nhà ở xã hội, biệt thự, nhà phố, trường học các cấp,vv... Dự án đã được ấp phép từ 2007, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xây dựng và khai thác hết tiềm năng, dẫn đến lãng phí trong công tác quy hoạch và phát triển khu đô thị.

Khu dân cư Chánh Mỹ

Khu dân cư Chánh Mỹ nhìn từ trên cao

Theo định hướng tới đây của Tỉnh Bình Dương sẽ đẩy mạnh phát triển và tháo gở các thủ tục trong việc xây dựng Khu dân cư Chánh Mỹ, đặc biệt là phân thu nhà ở xã hội và phân khu nhà ở thấp tầng để cung cấp chổ ở cho người dân và phát triển xã hội

bình dương