Vành đai 3 TP.HCM liệu có giữ được tiến độ?
Vành đai 3 TP.HCM là một trong những dự án giao thông trọng điểm mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phải báo cáo tình hình triển khai thực hiện với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thủ tướng với TP.HCM ngày 10.8 vừa qua.
Khởi đầu thần tốc với những mốc tiến độ kỷ lục, nhưng Vành đai 3 TP.HCM - dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của cả vùng Đông Nam bộ - đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để giữ mục tiêu về đích đúng hẹn.
Quy mô Vành Đai 3 Tp. HCM
3 vướng mắc lớn của dự án đường Vành Đai 3
Theo ông Phan Văn Mãi, Vành đai 3 TP.HCM hiện có 3 vướng mắc: cát cho khối lượng xây lắp, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiến độ của một số hạng mục. Mặc dù vậy, các địa phương có dự án đi qua sẽ họp bàn, cố gắng đến tháng 1.2026 thông xe kỹ thuật và hoàn thành vào quý 2/2026 theo đúng đề án đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Công trường Vành Đai 3 Tp. HCM
Cụ thể, về nguồn cát - vấn đề được TCIP đánh giá là thách thức lớn nhất của dự án. Từ đây đến hết tháng 8, các nhà thầu phải huy động đủ 2 triệu m³ cát về công trình (hiện đã đưa về hơn 600.000 m³). Chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu chủ động tìm nguồn cát thương mại, mua cát từ Campuchia để phục vụ nhu cầu thi công. Từ tháng 9, 3 địa phương (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre) sẽ hoàn thiện các thủ tục cấp phép các mỏ khai thác cát phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3. Đến hết năm nay, sẽ có gần 5 triệu m³ cát từ các địa phương này cung cấp cho dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM, giúp ổn định nguồn cát thi công.
Về GPMB, việc áp dụng các cơ chế đặc thù đã giúp TP rút ngắn thời gian ở những bước thủ tục. Đơn cử, khi tách dự án GPMB thành dự án độc lập, TP được áp ranh địa chính, duyệt ranh để các địa phương có thể đo vẽ kiểm đếm ngay khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư. Nhờ vậy, khi duyệt dự án khả thi là công tác khó nhất, lâu nhất, đã cơ bản hoàn thành.
Cùng với đó, việc tách nhóm giải tỏa đất nông nghiệp trước, đất ở làm sau giúp tỷ lệ thu hồi đất được đẩy nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, theo ông Phúc, đến giai đoạn cuối này thì vẫn còn một số trường hợp "ca khó" do hồ sơ phức tạp, pháp lý kéo dài, một số hộ dân chưa chịu giao đất hoặc có những trường hợp người dân phản đối. Những vị trí này nằm xen cài trong khu vực công trường nên có ảnh hưởng tới một số vị trí thi công.
"Chủ tịch UBND TP đã giao nhiệm vụ cho 2 địa phương trước 30.8 phải dứt điểm 100%. Chủ trương chung của lãnh đạo TP là hạn chế tối đa việc cưỡng chế, nhưng với những trường hợp quá khó khăn thì vẫn cần giải pháp mạnh để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án", ông Phúc nói.
Các nhà thầu xử lý nền đất yếu tại gói thầu XL6
Vướng mắc thứ 3 mà Chủ tịch UBND TP lo ngại là về kỹ thuật ảnh hưởng tới tiến độ một số hạng mục. Phía chủ đầu tư thông tin: Tại một số vị trí đất quá yếu, trước đây các nhà thầu dự kiến làm giải pháp bấc thấm, mất 12 tháng chờ gia tải. Đồng nghĩa nếu tháng 8 này bắt đầu triển khai thì tới tháng 8.2025 các gói thầu này mới xong phần gia tải, sau đó có 6 tháng thực hiện công tác hoàn thiện mặt đường, rào chắn biển báo, tổ chức giao thông chiếu sáng, lắp đặt camera…
Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư đang xem xét chuyển sang phương án tăng mật độ bấc thấm, tăng chiều cao gia tải, thay phương án bấc thấm bằng cọc đất gia cố xi măng hoặc bấc thấm hút chân không để rút ngắn thời gian gia tải còn từ 6 - 9 tháng. Đồng thời, nghiên cứu phương án để những vị trí giữa đường song hành với các hàng cọc có thể vừa đào khoan cọc, vừa gia tải, áp dụng những giải pháp kỹ thuật chuyên sâu để rút ngắn thời gian thi công. Sau đó, tiếp tục rút ngắn thời gian hoàn thiện mặt đường chỉ còn 4 tháng bằng cách tổ chức thi công làm ngày làm đêm, tăng ca tăng kíp để kịp hoàn thành vào cuối năm 2025.
Những giải pháp này không thể làm đại trà mà chỉ ưu tiên những vùng đất yếu như Bình Chánh, Hóc Môn… TCIP đang thiết kế chi tiết phương án, đã báo cáo Hội đồng Nghiệm thu nhà nước của Bộ Xây dựng, chuẩn bị xin ý kiến các chuyên gia cố vấn để sẵn sàng triển khai song song các giải pháp từ tháng 9 này.
Đồng bộ hạ tầng, đột phá kinh tế
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc. Mặc dù chỉ đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, nhưng đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...
Công trình hoàn thành sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Chưa kể sau này, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm TP đến sân bay.
Do đó, tính kết nối, liên thông là quan trọng hàng đầu. Đây cũng là một trong những thách thức mà phía chủ đầu tư đang phải đối mặt. Đơn cử, vừa rồi TCIP đã phải điều chỉnh bổ sung nút giao Gò Công phía đoạn TP.Thủ Đức để tăng cường khả năng nối kết với Vành đai 2, tạo nên trục giao thông phát triển cho TP sáng tạo phía Đông.
Tuyến Vành Đai 3 đi qua khu đô thị mới Đông Tăng Long, giúp cư dân ở đây kết nối vùng khác thêm thuận lợi hơn.
Cùng với đó, cầu Nhơn Trạch đang đấu nối sang Vành đai 3 TP.HCM. Cây cầu này khởi công trước Vành đai 3 hơn 1 năm và đang phấn đấu thông trục cầu vào 30.4.2025, trước 5 tháng so với kế hoạch. Cầu Nhơn Trạch vượt tiến độ đòi hỏi phía gói thầu tiếp giáp của dự án Vành đai 3 cũng phải đẩy nhanh, có những giải pháp đặc biệt để kết nối cùng nhịp. Đơn vị thi công cũng đang phấn đấu 30.4 có thể thông tuyến từ cầu Nhơn Trạch tới cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đi tiếp về hướng Tp. Thủ Đức.
Mới đây, Bộ GTVT cũng yêu cầu hoàn thiện nút giao Tân Vạn - nút giao lớn nhất Vành đai 3. Đây là cửa ngõ ba tỉnh, thành Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai, lượng xe rất lớn nên thường xuyên ùn tắc. Dưới nút giao này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật dày đặc, tương lai đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng chạy qua. Quá trình nghiên cứu trước đây, các đơn vị đã xác định nút giao này cần được xây 3 tầng cùng 5 nhánh cầu rẽ đi các hướng. Tuy nhiên, do bị khống chế kinh phí nên ở giai đoạn 1, nút giao chỉ được làm trước 2 nhánh cầu và tuyến chính cao tốc băng qua. Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu để hoàn chỉnh nút giao với 2 nhánh cầu bổ sung.
PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhấn mạnh: "Phải làm mọi cách đảm bảo tiến độ Vành đai 3, song song tăng tốc khép kín Vành đai 2, triển khai Vành đai 4. Mạng lưới đường Vành đai hoàn thiện, đồng bộ với hệ thống cao tốc sẽ tạo ra đột phá cho kinh tế TP.HCM và toàn vùng Đông Nam bộ".